Chuẩn bị trước khi mang thai lần đầu cần chú ý những gì? Bài viết sau đây sẽ giúp mẹ biết được mình cần làm những gì khi có ý định mang thai lần đầu mẹ nhé
Khám sức khỏe trước khi mang thai
Khám sức khỏe trước khi mang thai là một việc hết sức quan trọng để kịp thời phát hiện các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Từ đó, có biện pháp điều chỉnh phù hợp nhằm tăng khả năng mang thai, đồng thời em bé cũng khỏe mạnh hơn.

Cụ thế, mẹ có thể tham khảo một số xét nghiệm cần làm dưới đây:
- Xét nghiệm máu: Để phát hiện xem mẹ có bị thiếu máu hay có các bất thường về máu không. Mẹ bầu bị thiếu máu sẽ dễ bị sảy thai, tăng nguy cơ sinh non; trẻ sinh ra ốm yếu, chậm phát triển trí tuệ.
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu trước khi mang thai giúp mẹ phát hiện có bị viêm đường tiết niệu hay có các chất bất thường trong nước tiểu (hồng cầu, glucose, protein, vi khuẩn,...) hay không.
- Xét nghiệm phụ khoa: giúp mẹ phòng ngừa và điều trị kịp thời các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như nấm, vi khuẩn, lậu, giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
- Kiểm tra tổng quát các cơ quan khác như tim, phổi, huyết áp, siêu âm ổ bụng, tử cung, buồng trứng.. đảm bảo mẹ đủ sức khỏe để mang thai.
- Kiểm tra nhiễm sắc thể: Xét nghiệm này giúp bố mẹ sàng lọc các bệnh di truyền có thể di truyền sang con, bao gồm thiếu máu, máu khó đông, một số bệnh ung thư,..
Chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai là điều vô cùng cần thiết cho tất cả các bà mẹ.
Tiêm phòng để chuẩn bị trước khi mang thai lần đầu

Các nghiên cứu đã chỉ ra, khi mang thai, hệ thống miễn dịch của mẹ kém hơn bình thường. Vì vậy, tiêm phòng là cách tốt nhất giúp các mẹ phòng tránh các bệnh nguy hiểm cho cả mẹ và bé là bé có thể gặp trong thai kỳ.
Những loại vacxin cần được tiêm phòng trước khi mang thai bao gồm:
-Rubella: cần được tiêm phòng trước khi mang thai 3 tháng. Nếu khi mang thai mẹ mắc loại bệnh này có thể gây sảy thai hoặc dị tật thai nhi.
- Thủy đậu: Mẹ nên tiêm muộn nhất là 2 tháng trước khi mang thai. Khoảng 2% số trẻ sinh ra bị dị tật thai nhi nếu mẹ mắc bệnh này khi mang thai.
- Viêm gan B: vacxin naỳ có thể tiêm trước hoặc đang mang thai đều được, đặc biệt là với những mẹ đã được chẩn đoán là nhiễm viêm gan B. Khả năng đứa trẻ bị nhiễm viêm gan B rất cao nếu mẹ đang mắc bệnh này. Do đó, tiêm vacxin là cách hiệu quả để tránh bệnh lây truyền sang con.
-Cúm: Cảm cúm thông thường có thể không nguy hiểm, nhưng khi mang thai thì đây lại là nguyên nhân dẫn đến dị tật thai nhi nhiều nhất nếu mẹ chủ quan. Vacxin phòng cúm mẹ có thể tiêm ở mọi thời điểm, đặc biệt khi đang có dịch.
Chuẩn bị tài chính trước khi mang thai lần đầu

Khi có thêm thành viên mới trong gia đình thì vấn đề chi tiêu cũng nhiều hơn. Sẽ có nhiều khoản chi tiêu mới phát sinh như khám thai, sinh nở, chế độ dinh dưỡng, mua sắm đồ đạc cho em bé và các chi phí khác. Vì vậy, chuẩn bị tài chính vững chắc vừa giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh vừa giúp em bé sinh ra có được điều kiện vật chất đầy đủ. Để kiểm soát nguồn tài chính gia đình, bố mẹ nên lập ra các danh sách cần chi tiêu và cân đối với khoản thu nhập của gia đình, có thể tiết kiệm được chừng nào và kế hoạch kiếm thêm thu nhập nếu có thể để chuẩn bị cho sự chào đời của con.
Chuẩn bị tinh thần trước khi mang thai lần đầu
Chuẩn bị tinh thần trước khi mang thai là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt với những chị em chuẩn bị mang thai lần đầu. Không ít người sẽ cảm thấy lo lắng, căng thẳng khi chuẩn bị chuyển sang thiên chức mới. Tuy nhiên, lo âu hay căng thẳng đều không tốt cho việc thụ thai cũng như những mẹ đang mang thai.
Cùng với đó, mẹ cũng nên sắp xếp công việc hợp lý, sẽ không có thời gian làm nhiều việc trước đây nữa. Thay vào đó là nghỉ ngơi nhiều, giữ tâm trạng luôn vui vẻ, tránh để bị stress và thay đổi các thói quen xấu như thức khuya, uống rượu bia, cà phê, hút thuốc lá,..
=>>Xem thêm:Chuẩn bị gì trước khi mang thai
Chế độ ăn hợp lý

Một chế độ ăn khoa học, lành mạnh không chỉ quá trình thụ thai cũng trở nên dễ dàng hơn mà còn giúp mẹ và thai nhi có một thai kỳ khỏe mạnh. Một số dưỡng chất mẹ cần bổ sung trước khi mang thai bao gồm:
- Acid folic: Các nghiên cứu cho thấy, chị em phụ nữ nên bổ sung acid folic ít nhất 3 tháng trước khi mang thai. Acid folic là chất không thể thiếu để bảo vệ trẻ tránh bị dị tật ống thần kinh như nứt đốt sống, vô sọ; và bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ. Mẹ bầu thiếu acid folic còn có nguy cơ sảy thai cao, sinh non, con sinh ra nhẹ cân và dễ mắc các dị tật thai nhi như hở hàm ếch, hội chứng Down, bệnh tim mạch,...
- Sắt: Thiếu sắt là nguyên nhân chính gây thiếu máu ở bà bầu khi mang thai. Mẹ bầu bị thiếu sắt sẽ thường xuyên bị mệt mỏi, chóng mặt, dễ bị sảy thai, nguy cơ sinh non cao; trẻ sinh ra bị nhẹ cân, chậm phát triển thể chất và trí tuệ.
- Canxi: Bổ sung canxi hỗ trợ sự phát triển xương của em bé đồng thời bảo vệ người mẹ khỏi bị mất xương khi mang thai. Canxi cũng đã được chứng minh là hỗ trợ hoạt động của hệ thống tuần hoàn, thần kinh và cơ bắp.Thiếu canxi trong thai kỳ có thể là nguyên nhân gây tê chân tay, đau lưng, chuột rút,... ở bà bầu.

- DHA: Đây là một axit béo rất quan trọng cho cơ thể và thuộc nhóm các axit béo omega-3. DHA có vai trò quan trọng trong việc hình thành tế bài não, điều hòa huyết áp, tim mạch rất cần thiết không chỉ cho phụ nữ trong thời gian mang thai mà còn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong giai đoạn đầu đời.
Trên đây là một số điều giải đáp “Cần chuẩn bị gì khi mang thai lần đầu”, hy vọng bạn đã có thêm một số thông tin hữu ích để chuẩn bị cho quá trình mang thai của mình. Chúc bạn có một thai kỳ thành công!