Dấu hiệu thai nhi bị dị tật là điều mà chắc hẳn mẹ bầu nào cũng quan tâm. Nhận biết được thai nhi bị dị tật từ sớm giúp bố mẹ có những biện pháp phù hợp.
Thế nào là dị tật thai nhi?
Thai nhi bị dị tật được biết đến là những bất thường của trẻ xảy ra ngay từ còn trong bụng mẹ. Những bất thường đó có thể về nhiễm sắc thể hay hình thái của một hoặc nhiều cơ quan khác nhau. Có khoảng 3% thai nhi bị dị tật bẩm sinh mỗi năm.
Những dấu hiệu thai nhi bị dị tật mẹ cần biết
Mang thai là một trải nghiệm thú vị nhưng cũng đầy khó khăn. Trong thai kỳ, mẹ phải cẩn thận từ những việc làm nhỏ nhất, phải kiêng khem nhiều thứ vì những điều ấy dù trực tiếp hay gián tiếp đều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, trong suốt 9 tháng thai kỳ, mẹ có thể vô tình mắc một số bệnh mà có thể dẫn đến nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh cao. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo thai nhi bị dị tật:
Nhiễm trùng khi mang thai
Khi mang thai, nếu mẹ bị mắc một số nhiễm trùng có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé, đặc biệt là liên cầu khuẩn nhóm B. Theo thống kê, cứ 4 phụ nữ thì có 1 người nhiễm loại vi khuẩn này. Nếu trẻ bị lây nhiễm loại vi khuẩn này trong quá trình chuyển dạ hay sau khi sinh thì trẻ sẽ có nguy cơ bị thiểu năng trí tuệ hoặc suy nhược thần kinh mãn tính. Đặc biệt khi sinh ra, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, rất dễ bị các vi khuẩn tấn công.
Mẹ cũng không được chủ quan ngay cả khi bị cúm thông thường. Vì nếu mẹ bị thủy đậu hoặc bị cúm trên 2 lần trong thai kỳ thì trẻ sinh ra cũng có nguy cơ mắc các dị tật về tim, não và xương sống cao hơn bình thường. Do đó, trước và trong khi mang thai mẹ cần chủ động tiêm phòng các vacxin cần thiết để phòng tránh các bệnh nhiễm trùng có thể xảy ra.
Thiếu cân hoặc thừa cân
Cân nặng của mẹ cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Nếu mẹ quá gầy, không đủ chất dinh dưỡng, thai nhi cũng sẽ không được nhận đầy đủ chất cần thiết để phát triển và dễ bị dị tật bẩm sinh khi chào đời. Nếu cân nặng mẹ quá lớn hoặc tăng quá nhiều cân khi mang thai thì em bé sinh ra có nguy cơ mắc các vấn đề về thần kinh, tim, tủy sống, tiêu hóa, tiết niệu,..Vì vậy, trong suốt quá trình mang thai, mẹ cần theo dõi chặt chẽ cân nặng của mình.
Sinh con sau tuổi 35
Khả năng sinh con bị dị tật bẩm sinh của phụ nữ tăng theo tuổi vì tuổi mẹ càng cao thì càng có nguy cơ phân chia nhiễm sắc thể bị lỗi. Nếu mẹ sinh con sau 35 tuổi thì em bé sinh ra rất dễ mắc hội chứng Down. Điều này không có nghĩa sau 35 tuổi mẹ không nên sinh con. Nếu có thai, mẹ nên làm các kiểm tra sàng lọc trước sinh để phát hiện trẻ có bị mắc các bệnh về bất thường nhiễm sắc thể hay không.
Thiếu acid folic khi mang thai
Acid folic là thành phần không thể thiếu tham gia vào quá trình hình thành hệ thống thần kinh của trẻ. Thiếu acid folic, trẻ dễ mắc các dị tật về ống thần kinh như nứt đốt sống, vô sọ. Vì vậy, mẹ nên được bổ sung đầy đủ acid folic ngay từ trước khi mang thai để tránh những hệ quả không đáng có.
Uống thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ
Khi mang thai, mẹ cần tránh sử dụng một số loại thuốc vì có rất nhiều loại không được khuyến cáo sử dụng trên phụ nữ mang thai vì nguy có gây dị tật bẩm sinh cao. Các thuốc chống viêm, kháng sinh có thể gây ra dị tật ở sọ, bại não, các khuyết tật ở mắt. Một số thuốc chống trầm cảm, an thần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh, dị tật ống thần kinh, xương sống.
Ngoài ra, khi mang thai, chị em phụ nữ luôn có xu hướng bổ sung nhiều loại thực phẩm chức năng mà vô tình bổ sung thêm những chất có thể có hại cho cơ thể. Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hay sản phẩm bổ sung nào mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, tránh sử dụng theo thói quen.
Chụp X-quang
Khi mang thai, mẹ tuyệt đối không được tiến hành các các xét nghiệm liên quan đến tia X. Nhiễm tia X dẫn đến biến đổi gen, làm tăng nguy cơ gây ra các dị tật thai nhi hay nguy cơ mắc bệnh ung thư khi trẻ được sinh ra.
Sử dụng các chất kích thích khi mang thai
Khi mang thai mẹ cần tránh sử dụng các chất kích thích như ma túy, rượu bia, thuốc lá,..Các độc tố từ các chất trên sẽ qua nhau thai và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi.
Mẹ tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc khi mang thai thì con sinh ra dễ mắc bệnh tim bẩm sinh, hở hàm ếch,..Các chất độc từ ma túy hay rượu bia cũng làm tăng nguy cơ chậm phát triển trí tuệ và thể chất. Từ bỏ các thói quen xấu là cách tốt nhất để bảo vệ con yêu.
Các biện pháp phát hiện dị tật thai nhi
Siêu âm kiểm tra dị tật thai nhi
Đây là một trong những biện pháp được sử dụng phổ biến nhất vì tính thuận tiện và an toàn cho cả mẹ và bé. Với phương pháp này, mẹ nên thực hiện ít nhất 3 lần trong 9 tháng thai kỳ, ở các giai đoạn khác nhau. Cụ thể như sau: tuần 11-13 thai kỳ; tuần 18-22 thai kỳ; tuần 28-32 thai kỳ.
Xét nghiệm máu
Đây là phương pháp xét nghiệm máu của mẹ kết hợp với siêu âm để chẩn đoán dị tật bẩm sinh thai nhi. Phương pháp này được chia thành 2 loại là double test và triple test.
-Double test: Xét nghiệm hóa sinh máu của mẹ để định lượng các chỉ số β-HCG tự do, PAPP-A và siêu âm đo độ mờ da gáy nhằm đánh giá nguy cơ trẻ mắc hội chứng Down, tam nhiễm sắc thể số 13 hay 18 ở đầu thai kỳ.
-Triple test: Triple test được tiến hành sau double test để định lượng 3 chỉ số HCG, AFP và estriol.
Chọc dò ối và sinh thiết gai nhau
Đây là các biện pháp cho kết quả chẩn đoán dị tật thai nhi chính xác nhất, có thể lên tới 99%. Tuy nhiên, hiện nay nó ít được các bác sĩ khuyên làm do tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé như sảy thai, chảy máu âm đạo, dò dịch ối,...
Hy vọng bài viết trên sẽ cung cấp cho mẹ nhiều thông tin để cảnh báo sớm những dấu hiệu thai nhi bị dị tật. Chúc mẹ và bé yêu có một thai kỳ khỏe mạnh!